Phát hiện hạt ngọc trai tự nhiên 6.500 năm tuổi

Phát hiện hạt ngọc trai tự nhiên 6.500 năm tuổi

  18/03/2022

  NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG

Hạt ngọc trai từ năm 4600 trước Công nguyên được tìm thấy trong một ngôi mộ giúp hé lộ thông tin về cuộc sống của những cộng đồng cổ xưa.

Hạt ngọc trai cổ xưa nhất từng phát hiện tại Qatar. Ảnh: Bảo tàng Qatar

Hạt ngọc trai cổ xưa nhất từng phát hiện tại Qatar. Ảnh: Bảo tàng Qatar

Nhóm nghiên cứu của Ferhan Sakal, trưởng bộ phận Khai quật và Quản lý Di chỉ tại Bảo tàng Qatar, đào được hạt ngọc trai tự nhiên cổ xưa nhất từng ghi nhận tại Qatar, International Business Times hôm 5/3 đưa tin. Tồn tại từ khoảng năm 4600 trước Công nguyên, hạt ngọc trai được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Wadi Al Debayan, một trong những di chỉ thời Đồ Đá Mới cổ xưa nhất nước này.

Trước khi phát hiện dầu vào khoảng năm 1940, khai thác ngọc trai là nghề chính của người dân địa phương. Họ thực hiện những chuyến đi dài hàng tháng trên những chiếc thuyền gỗ gọi là "dhow" và sẽ lặn xuống biển mà không cần bình dưỡng khí để vớt hàu. Số hàu này sau đó sẽ được mở ra lấy ngọc tự nhiên. Một người có thể phải mở hàng chục, thậm chí hàng trăm con hàu mới thấy một con có ngọc.

"Nhóm chúng tôi đã khai quật một thứ có tầm quan trọng lớn về lịch sử và xã hội. Điều này chỉ cho chúng tôi thấy nguồn gốc có thể truy tìm đầu tiên của các khu định cư ở Qatar và việc sử dụng ngọc trai ở địa phương. Với mỗi tàn tích từ quá khứ của Qatar được đưa ra ánh sáng, chúng tôi lại hiểu thêm và đánh giá cao hơn về bản sắc và lịch sử tôn giáo của mình", Faisal Abdulla Al-Naimi, giám đốc Khảo cổ học tại Bảo tàng Qatar, cho biết.

Ngôi mộ mới phát hiện là bằng chứng sớm nhất về ngành khai thác ngọc trai cổ xưa của Qatar. Nó cũng cung cấp thông tin mới về những cộng đồng dân cư đầu tiên thống trị nơi này, bao gồm thông tin về các cấu trúc xã hội thịnh hành và sự phân bổ của cải.

Nằm cách Al Zubarah vài km về phía nam, Wadi Al Debayan đã mang đến cho các nhà khoa học một số phát hiện quan trọng như đồ gốm thời Ubaid (khoảng năm 6500 đến 3800 trước Công nguyên) của Nam Lưỡng Hà (Iraq ngày nay), đá obsidian từ Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và các khu chôn cất cổ xưa.

Wadi Al Debayan thuộc phạm vi bảo tồn và quản lý của Bảo tàng Qatar. Thông qua những chuyến khai quật và nghiên cứu thực địa, Bảo tàng Qatar đặt mục tiêu bảo tồn và ghi chép lại di sản của Qatar qua các thời đại, đồng thời xây dựng mối liên kết giữa các cộng đồng hiện đại với quá khứ.

Thu Thảo (Theo International Business Times)

Đóng góp ý kiến